Với phương pháp trữ đông thức ăn thành dạng viên này, chị em sẽ nuôi con hoàn toàn dễ dàng không phải lo lắng sau những buổi tan sở...
Hết thời hạn 6 tháng nghỉ sinh theo luật nhà nước, nhiều chị em
công sở quay trở lại làm việc với cùng một nỗi băn khoăn: Con mình giờ
đây sẽ ăn uống thế nào? Em vốn là nhân viên một công ty nước ngoài và
đương nhiên cũng không tránh khỏi vấn đề chung đó.
Em đi làm lại đã được 3 tháng nay. Sáng nào cũng phải dậy sớm đi chợ
nấu nấu nướng cho con rồi trưa lại vội vội vàng vàng phóng xe về nhà cho
con ăn khiến em mệt bơ phờ. Tuy vất vả nhưng làm mẹ nào có thể để con
ăn 'cơm hàng cháo chợ' được đây?!
Khi em quan sát chị Aiko, đồng nghiệp của em, một phụ nữ
Nhật cũng có con nhỏ bằng tuổi bé nhà em, thì lại thấy chị ấy vô cùng
ung dung nhàn nhã mỗi buổi trưa nơi công sở. Đem thắc mắc hỏi chị, em
nhận được nụ cười tươi rói cùng lời mời cuối tuần ghé nhà chị chơi để
xem “vũ khí bí mật”. Mừng như bắt được vàng, cuối tuần đấy, em hồ hởi
qua nhà chị để “học mẹ Nhật cách nuôi con nhỏ”. Chuyến đi quả đã cho em
những kinh nghiệm nuôi con vô cùng thú vị mà em muốn chia sẻ với các bà
mẹ Việt mình.
Đến nhà chị Aiko đúng lúc chị chuẩn bị đồ ăn cho con, em vô cùng ngạc
nhiên khi thấy chị lấy ra trong ngăn đá những viên nhỏ cứng nhiều màu
sắc cam, trắng, vàng… vô cùng bắt mắt. Hỏi ra mới biết, đấy chính là đồ
ăn của Tomo con trai chị, cùng chính là “vũ khí bí mật” mà chị muốn chỉ
cho em. Chị chia sẻ: Hồi còn ở Nhật, chị cũng đã từng thấy rất nhiều bà
mẹ vừa nuôi con lớn con khỏe lại vừa đảm bảo được tốt cho công việc và
sự nghiệp của bản thân là nhờ phương pháp trữ đông thức ăn này. Mỗi
tuần, chị chỉ đi siêu thị một lần vào cuối tuần, mua đủ rau, gạo, thịt,
và tôm, cá... cho con trai. Những phần thịt và tôm thường được chị băm
nhỏ rồi nấu lên như bình thường và viên lại thành từng phần vừa vặn với
một bữa ăn của Tomo. Rau cũng được chị rửa sạch, để ráo nước. Như Tomo
nhà chị thích ăn bí đỏ và khoai tây, hai loại thực phẩm này luôn được
chị hấp chín, nghiền nhuyễn. Tất cả sau đó đều được cho vào từng khuôn
nhỏ như khay đá ăn rồi cất vào ngăn đông tủ lạnh. Khi nào đến bữa, chị
chỉ cần lấy ra, đun với một ít cháo là Tomo sẽ có ngay một bữa ăn ngon
lành. Thậm chí những khi bận rộn, chị cũng hay nấu cháo và chia sẵn vào
khay cất đông cho con ăn dần. Mỗi bữa Tomo có thể ăn từ 3-4 viên cháo.
Còn với trẻ sơ sinh mới ăn dặm, khẩu phần mỗi bữa chỉ cần 1 viên là đủ.
Khi nói chuyện với chị, em còn được biết thức ăn để đông như vậy có
thể giữ được độ tươi ngon và các chất dinh dưỡng trong tận 1 -3 tháng.
Trong khi đó, đồ ăn chế biến sẵn để ngăn mát chỉ có thể sử dụng trong
vòng 48 giờ. Mỗi khi trữ đông một loại thức phẩm, chị luôn dán nhãn tên
và ngày “sản xuất” lên trên nắp hộp để tránh nhầm lẫn.
 |
Những khay thức ăn trữ lạnh được chị ghi tên và ngày "sản xuất" cụ thể (ảnh minh họa) |
Phương pháp trữ đông để bảo quản đồ ăn chín này quả thật vô cùng hấp
dẫn đúng không các mẹ. Nhờ được trữ đông thành từng viên nhỏ, ta hoàn
toàn có thể biết rõ lượng ăn mỗi bữa của con, tránh phải đổ đi quá nhiều
thức ăn thừa cũng như tiết kiệm được thời gian nấu nướng. Em đã học
theo chị Aiko và bớt hẳn được những căng thẳng vì vừa phải chăm con mọn
vừa phải đi làm các mẹ ạ.
Nếu chị em vẫn còn băn khoăn vì liệu thức ăn dạng đá viên như vậy có
bảo đảm được dinh dưỡng khi rã đông cho con ăn thì em xin chia sẻ những
“bí quyết” đun nấu thức ăn viên rất hiệu quả mà chị Aiko đã “bật mí”:
Cách 1: Đun cách thủy
Đây là phương pháp “cổ điển” và vô cùng hiệu quả để giữ được những
chất dinh dưỡng có trong thực phẩm để rã đông thức ăn. Các mẹ có thể cho
viên cháo hay thịt vào một cái bát nhỏ rồi đặt cách thủy trong nồi, đun
lửa nhỏ và khuấy đều là ta có thể cho con ăn ngay được rồi.
Cách 2: Sử dụng lò vi sóng
Trong xã hội mà “thời gian quí hơn vàng” như hiện nay thì có lẽ nhiều
mẹ sẽ ngại luôn cả phần đun nấu. Dùng lò si sóng để hâm thức ăn là cách
nhanh chóng và đơn giản nhất bởi chỉ cần trong vòng 30 giây đến 1 phút
là thức ăn sẽ hoàn toàn rã đông. Tuy nhiên vì lò vi sóng thường làm nóng
không đều nên các mẹ hãy nhớ khuấy thật kỹ cho nóng đều và kiễm tra
nhiệt độ thật cẩn thận, chỉ cho bé ăn khi thực phẩm đã nguội bớt nhé.
Cách 3: Rã đông trong ngăn mát
Theo kinh nghiệm bản thân, em cũng hay chuyển thức ăn dạng đá viên từ
ngăn lạnh sang ngăn mát và để qua một đêm. Sáng hôm sau trước khi chuẩn
bị đi làm, thức ăn đã hoàn toàn rã đông và em chỉ cần đun một loáng là
có ngay cháo ăn nóng hổi cho con yêu. Tuy vậy, các mẹ lưu ý đừng để thức
ăn rã đông tự nhiên ngoài không khí nhé, nhiệt độ nóng ẩm sẽ là điều
kiện thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi và phát triển, ảnh hưởng trực tiếp
tới sức khỏe bé yêu đấy.
Sưu tầm
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét