Bún đậu mắm tôm hay bún đậu phụ mắm tôm
là món ăn đơn giản, dân dã trong ẩm thực miền Bắc Việt Nam. Đây là món
thường được dùng như bữa ăn nhẹ, ăn chơi. Người miền Bắc đam mê bún đậu
mắm tôm lắm. Không cần nói ra mà ai ai cũng biết món ăn có vẻ hơi “nặng
mùi” đó nổi tiếng đến mức nào. Bún đậu được bán ở khắp nơi, từ gánh hàng
rong, những con ngõ nhỏ đến hàng quán khang trang.
Đối
với những người dân Hà thành có niềm yêu thích với bún đậu mắm tôm, cứ
mỗi khi nhắc đến món ăn này là lại nhớ ngay đến các quán nổi tiếng bao
lâu nay như bún đậu Ngõ Trạm, Ngõ Gạch hay ngõ Tràng Tiền.Có thể nói,
bún đậu mắm tôm luôn được coi là một nét ẩm thực mang màu sắc rất riêng,
đặc trưng của người Hà Nội.
 |
Những gánh bún đậu có mặt trên khắp các ngõ ở Hà Nội
|
Từ
các gánh hàng rong trên các con phố, bún đậu mắm tôm cũng dần dần theo
chân người sành ăn đến các nhà hàng sang trọng. Từ miền Bắc với những
hình ảnh mẹt bún quen thuộc, ngày nay bún đậu mắm tôm cũng đã có mặt
khắp mọi miền đất nước. Một trong những nơi đón nhận mạnh mẽ món quà vặt
làm nức lòng người miền Bắc này là Sài thành. Hương vị gần như được giữ
nguyên khiến bao người xa xứ như đang được ở những con ngõ ngang dọc
của Hà Nội.
Bún đậu mắm tôm
ngon, thì tất nhiên từng món riêng như bún, đậu, và mắm tôm cũng đều
phải ngon. Thành phần chính cho món bún đậu mắm tôm bao gồm bún tươi,
đậu phụ rán vàng, mắm tôm chanh ớt ăn kèm rau kinh giới. Dù có thêm
nhiều biến tấu, nhưng vấn đề tiên quyết là đậu phụ và mắm tôm không
ngon, thì không thể được gọi là bún đậu!
Đậu
phụ được chọn là loại đậu mềm, trắng, béo ngậy. Từng miếng đậu mềm mịn,
béo ngậy được chiên khéo léo ngập dầu có pha tí mỡ gà với lửa lớn nên
vỏ ngoài có màu vàng rộm, giòn tan, mà ruột bên trong lại chỉ vừa độ
chín tới. Miếng đậu chiên ngon là phải vừa thơm bùi, vừa giòn vỏ còn
nguyên vị mềm béo thơm lừng của đậu tương. Ăn một miếng, lại muốn thêm
miếng nữa, chẳng mấy chốc mà hết cả mẹt đậu ăm ắp.
Chả
cốm thì khác, được chiên khi dầu thật sôi để lớp cốm nếp nở bung. Miếng
chả thành phẩm như căng phồng lên, thơm đậm đà mùi thịt mà không hề bị
bám mỡ. Thịt chân giò thì được cuốn chắc, luộc trong nước gừng tươi từ
sáng nên lớp da giòn rụm mà lại rất thơm. Tất cả gộp lại thành một món
ăn thanh đạm mà vẫn đậm đà, đúng bản sắc Hà thành.
Thịt chân giò được cuốn chắc, luộc trong nước gừng tươi từ sáng nên lớp da giòn rụm mà lại rất thơm
Nếu
nói đậu cốt yếu thì mắm tôm cũng chẳng bao giờ chịu thành thứ yếu.
Không phải ai cũng ăn được mắm tôm, nhưng một khi đã biết ăn, thì chỉ có
con đường duy nhất là…nghiện. Mắm tôm chính hiệu để ăn với bún đậu phải
được đặt từ những lò làm mắm gia truyền ở Thanh Hóa. Mắm tôm có màu ửng
hồng (tránh chọn loại mắm đỏ hay mắm đen). Có quán còn tinh tế hơn, sơ
chế mắm với đường hoa mai, rượu nếp cái hoa vàng, hoặc chút gừng cay
giúp những người lạnh bụng ăn chẳng phải lo.
Mắm
thơm và dậy mùi chứ không nồng, nặng mùi, được pha chế thêm với đường
và bột ngọt. Bí quyết chính để có mắm tôm ngon là khi múc ra chén, người
bán rưới thêm vào chén mắm một lớp mỡ chiên đậu. Nhờ vậy mà chén mắm có
màu sóng sánh, ngon đến vô cùng... Rồi thực khách tự nêm nếm với chanh
(hoặc tắc), ớt tươi xắt nhỏ... cho đủ vị chua cay mặn ngọt.
Với
người Hà thành, bún ăn với đậu rán mắm tôm phải là loại bún Phú Đô nức
tiếng, vắt thành nắm và cắt ra cho vừa một gắp. Còn rau thơm ăn kèm phải
đúng loại rau làng Láng, bao gồm kinh giới, húng quế và tía tô loại lá
nhỏ.
Tất cả các thức được bày
trên cái mẹt nhỏ có lót lá chuối, dân dã mà lại có một sức hút khó
cưỡng. Có lẽ bởi trong yếu tố bình dân đã làm nổi bật lên hương vị mạnh
mẽ mà khó có món ăn sang trọng nào có được. Bởi thế nên du khách đến Hà
Nội đều háo hức muốn ăn thử, và người Hà Nội đi xa cũng muốn tìm về
hương vị mộc mạc ấy
Internet
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét